top of page

Rượu thuốc dùng trong mùa thu 

Cúc hoa 50 g rửa sạch, để ráo, ngâm với 500 ml rượu trắng, sau 10 ngày là dùng được; uống ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml. Rượu này có công dụng làm mát gan, sáng mắt, giải cảm, phong nhiệt; thích hợp cho người hay bị cảm mạo phát sốt, hay đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, có cảm giác bốc nóng lên đầu, thị lực giảm sút.

Theo Đông y, vào mùa thu, dương khí giảm dần, âm khí tăng trưởng, thời tiết chuyển dần từ nóng sang lạnh; đây là giai đoạn quá độ của "dương tiêu âm trưởng". Lúc này, mưa ít, gió nhiều, độ ẩm trong không khí giảm đi, dễ gây hao tổn chất dịch trong thân thể.

Vì vậy, việc dùng rượu trong mùa thu phải tuân thủ nguyên tắc "thu đông dưỡng âm", "phòng táo giữ âm, tư thận nhuận phế"; nghĩa là phải chú ý bổ sung đầy đủ chất dịch cho cơ thể, trọng dụng những đồ ăn thức uống có công dụng dưỡng âm, nhuận táo. Sau đây là vài loại rượu dưỡng sinh mùa thu:

- Rượu hoàng tinh: Hoàng tinh 20 g, rượu trắng 500 ml. Hoàng tinh rửa sạch, thái phiến, cho vào túi vải buộc kín rồi thả ngâm trong rượu, sau nửa tháng có thể dùng được.

Công dụng: Kiện tỳ, nhuận phế, bổ thận; thích hợp cho những người tỳ vị hư yếu, chán ăn, mệt mỏi, ho khan lâu ngày, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa. Trường hợp đại tiện lỏng loãng, ho khạc đờm nhiều không nên dùng.

- Rượu vừng đen: Vừng đen 50 g, rượu trắng 500 ml. Vừng đen đãi sạch, để khô rồi ngâm với rượu trong bình kín, sau nửa tháng thì dùng được.

Công dụng: Bồi bổ can thận, nhuận dưỡng tỳ phế, nâng cao sức khỏe và chống lão hóa; thích hợp cho những người bị chứng can thận phế âm hư, biểu hiện bằng các triệu chứng hay đau đầu, hoa mắt chóng mặt, lưng đau gối mỏi, râu tóc bạc sớm, ho khan ít đờm, đại tiện táo kết. Trường hợp đại tiện lỏng loãng không nên dùng.

- Rượu liên tử: Hạt sen 50 g, rượu trắng 500 ml. Hạt sen bỏ vỏ và tâm, đập vụn rồi đem ngâm với rượu trong bình kín, sau nửa tháng thì dùng được.

Công dụng: Dưỡng tâm an thần, kiện tỳ chỉ tả, ích thận chỉ di; thích hợp cho những người bị mất ngủ, hay hồi hộp đánh trống ngực, di tinh, đái dầm, xuất tinh sớm, phụ nữ bị khí hư, đi lỏng do tỳ vị hư yếu. Trường hợp đại tiện táo kết không nên dùng.

- Rượu nhân sâm kỷ tử: Nhân sâm 10 g, kỷ tử 20 g, rượu trắng 500 ml. Nhân sâm thái phiến, kỷ tử rửa sạch, cho vào bình kín ngâm với rượu, sau nửa tháng có thể dùng được.

Công dụng: Đại bổ nguyên khí, dưỡng can và làm sáng mắt; thích hợp cho những người bị chứng khí hư với những biểu hiện cụ thể như khó thở, ngại nói, dễ đổ mồ hôi (phế khí hư); chán ăn, chậm tiêu, da nhợt, tay chân teo nhẽo, sa dạ dày, sa trực tràng (tỳ khí hư); lưng đau gối mỏi, tiểu tiện nhiều lần về đêm, khả năng tình dục sút kém (thận khí hư); hay hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, môi nhợt (tâm khí hư)...

- Rượu hà thủ ô: Hà thủ ô 150 g, rượu trắng 500 ml. Hà thủ ô rửa sạch, thái vụn, ngâm với rượu trong bình kín, sau 15-20 ngày có thể dùng được.

Công dụng: Bổ thận ích tinh, tư âm dưỡng huyết, chống lão hóa; thích hợp cho người bị chứng can thận bất túc, biểu hiện bằng các dấu hiệu đầu choáng, tai ù, mất ngủ, hay quên, râu tóc bạc sớm, di tinh, liệt dương (trong y học hiện đại là các bệnh suy nhược thần kinh, thiếu máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, táo bón kinh niên...).

- Rượu dâu: Quả dâu chín 200 g, rượu trắng 500 ml. Hai thứ ngâm trong bình kín, sau nửa tháng có thể dùng được.

Công dụng: Thanh nhiệt, nhuận phế, tư âm, dưỡng huyết; thích hợp cho những người âm hư, biểu hiện bằng các triệu chứng môi khô miệng khát, có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, ho khan, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ.

- Rượu tây dương sâm: Tây dương sâm 50 g, rượu trắng 500 ml. Tây dương sâm thái phiến, ngâm với rượu trong bình kín, sau nửa tháng có thể dùng được.

Công dụng: Bổ khí dưỡng âm, thanh nhiệt; thích hợp cho những người khí âm lưỡng hư, biểu hiện bằng các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, miệng khô, họng khô, ho khan, hay có cảm giác hơi sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm. Trường hợp đau bụng và đi lỏng do lạnh không nên dùng.

Các loại rượu trên dùng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml. Không nên uống nhiều hơn.

ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống 

 

 

Thực hư về việc nuốt sống hạt đậu đen chữa bệnh

Theo Đông y, đậu đen có vị hơi ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng lợi thủy, giải độc, dưỡng âm bổ thận, khu phong hoạt huyết.  Trên thực tế, đậu đen là nguồn cung cấp chất xơ, chất đạm và nhiều vi chất quan trọng có giá trị bổ dưỡng rất cao có thể giúp phòng chống nhiều loại bệnh tật. Tuy nhiên, không cần và không nên nuốt sống hạt đậu đen.

Nên dùng đậu đen như thế nào?

 Đậu đen khô là loại hạt cứng nên thưòng được ngâm nước cho mềm trước khi nấu.  Nuốt sống nguyên nhiều hạt đậu cùng lúc dễ sinh tâm lý ngán ngại lại có thể nguy hiểm cho một số trường hợp tiêu hoá kém, viêm loét dạ dày, chưa kể đến việc các cháu bé do không quen hoặc do sợ nuốt có thể làm cho hạt đậu lạc vào đường thở  gây ngạt.  Nói chung những cách sử dụng đậu đen truyền thống như nấu chè, độn cơm, làm tương, làm bánh đều tận dụng được những hoạt chất trong đậu miễn là dùng hạt toàn phần, dùng cả vỏ đen bên ngoài.  Ngoài ra, theo những nghiên cứu[v] tại trường Đại học Minnesota, quá trình nẩy mầm làm gia tăng tỷ lệ dinh dưỡng trong tất cả các loại hạt.  Do đó, nếu ngâm đậu vào trong nước thường khoảng 32oC trong khoảng 22 giờ trước khi nấu sẽ tạo ra nhiều chất bổ dưỡng hơn do hạt đậu ở trạng thái đang nẩy mầm. Như vậy, ngâm đậu trước khi nấu không chỉ để rút ngắn thời gian đun nấu, đậu mềm dễ tiêu hoá mà còn có thể sinh ra nhiều dưỡng chất hơn nếu ngâm với thời gian vừa đủ để hạt nhú mầm.  

 

 Đậu đen toàn phần với tỷ lệ khá cân đối đạm, đường, nhiều chất xơ và vi chất quan trọng khác có thể xem là loại hạt dễ tìm và có nhiều ưu thế so với nhiều loại hạt khác.  Do đó, rất dễ nhận thấy chế độ ăn nhiều ngũ cốc và rau qủa bao gồm đậu đen sẽ hổ trợ tốt cho việc chữa trị nhiều loại bệnh.  Tuy nhiên, không nên cho rằng  đậu đen chữa được tất cả các loại bệnh hoặc ở tất cả mọi giai đoạn của bệnh.  Việc điều trị các loại bệnh mãn tính đều phải dựa vào những biện pháp tổng hợp bao gồm tâm lý thoải mái, vận động đều đặn và việc tiết giảm những loại thực phẩm chế biến, thuốc lá, rượu mà không thể chỉ dựa vào 1 bài thuốc hay vị thuốc đơn thuần. 

 

 

RAU SAM, CÂY RAU VỊ THUỐC

 

Tác dụng dược lý. Từ lâu y học dân gian nước ta thường dùng rau Sam làm thuốc sát trùng trong những chứng lở loét ngoài da, làm tiêu nhọt độc và làm lợi tiểu trong chứng tiểu buốt, tiểu rát Nhân dân Trung Quốc và Ấn Độ dùng rau Sam để trị bệnh ho, lao phổi, giải độc rắn hoặc côn trùng cắn. Người Ấn Độ còn dùng rau Sam làm thuốc co mạch. Dân Haiti và Thổ Nhỉ Kỳ dùng sau Sam để làm thuốc an thần, chữa bệnh mất ngủ. Nhiều vùng ở Trung Quốc, Thổ Nhỉ Kỳ, Brazil, Cộng Hoà Dominique dùng rau Sam để lọc máu, tiêu viêm, giảm đau. Nghiên cứu khoa học cho thấy rau Sam có tác dụng ngăn chặn sự phát triễn của vi trùng lỵ và thương hàn. Dịch chiết rau Sam bằng cồn etylic có hiệu quả rõ rệt đối với trực khuẩn Coli, kiết lỵ và thương hàn. Những nhà khoa học Mỹ và Úc còn cho biết trong rau Sam có nhiều acid béo Omega-3 có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miển dịch của cơ thể.

Theo Đông y rau Sam có vị chua tính lạnh, không có độc tính, vào ba kinh Tâm, Can và Đại trường, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm, nhuận trường lợi tiểu, thường được dùng trong các chứng viêm nhiểm, lở ngứa, kiết lỵ.

Theo kinh nghiệm riêng của tác giả, rau Sam là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong các chứng viêm nhiểm đường ruột và đường sinh dục, tiết niệu. Có một số trường hợp viêm cầu thận, viêm bàng quang hoặc viêm đường niệu đạo dây dưa nhiều ngày do vi trùng đã lờn thuốc kháng sinh Tây y nhưng lại đáp ứng rất tốt với rau Sam. Với liều khoảng 600gram rau tươi một ngày, sắc cô lại cho bệnh nhân uống mỗi 2 hoặc 3 giờ thường không quá một ngày các chứng buốt, rát, đau quặn đã biến mất.

Sau đây là một số cách sử dụng rau Sam đơn giản có thể thực hiện ở gia đình.

Chữa viêm cầu thận, viêm bàng quang, niệu đạo.

Rau Sam tươi 600gr

Gừng sống 7 đến 9 lát

Nấu sôi khoảng 400cc nước. Khi nước sôi lần lượt cho cả rau và gừng sống vào. Đảo qua lại vài lần. Chỉ sau khoảng 7 đến 10 phút là có thể chắt nước ra uống được. Thời gian nấu nhanh có thể bảo đảm được tối đa hoạt chất và chất bổ dưỡng. Khi uống cho thêm vào một chút muối. Chia ra uống làm nhiều lần trong ngày. Mỗi lần cách nhau khoảng 2 hoặc 3 giờ. Có thể ăn cả xác. Gừng sống trong bài có tác dụng hạn chế bớt tính hàn của rau Sam, không làm trệ tỳ lại có thể tăng cường chức năng khí hoá ở Thận và Bàng quang.

Chữa xơ vữa động mạch, làm hạ độ cholesterol trong máu.

Rau Sam tươi 100gr

Gừng sống 3 lát

Luộc hoặc nấu canh ăn hàng ngày. Ăn cả nước lẫn xác. Có thể thêm vào gia vị tuỳ thích. Thỉnh thoảng ăn mỗi đợt từ 5 đến 7 ngày.

Chữa khí hư, bạch đới ở phụ nữ.

Rau Sam tươi 100gr

Giả nát vắt lấy nước, hoà với 2 lòng trắng trứng gà, khuấy đều, hấp chín. Chia ra ăn làm 2 lần trong ngày. Ăn từ 3 đến 5 ngày.

Chữa kiết lỵ cấp tính.

Rau Sam tươi 100gr

Giả nát vắt lấy nước, đun nóng, cho thêm một chút mật ong hoặcđường đen vào để uống.

Chữa sán sơ mít.

Rau Sam tươi 100gr

Giả nước lọc lấy nước, cho thêm một chút muối và một muổng giấm, uống vào lúc sáng sớm khi bụng đói.

Chữa bệnh giun kim.

Rau Sam tươi 80gr

Giả nát lọc lấy nước, thêm một chút muối. Uống từ 3 đến 5 ngày.

Chữa mụn nhọt sang độc.

Rau Sam tươi một nắm.

Giả nát đấp lên mụn nhọt băng lại

Lưu ý: Vì rau Sam hoạt huyết và tính hàn nên không sử dụng cho người có thai. Với những bệnh nhân có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lõng, khi sử dụng rau Sam cần được phối hợp tốt với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ. Ngoài ra do hàm lượng nitrate và oxalate có trong rau Sam nên cần thận trọng khi dùng với người có tiền sử về sạn thận.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khi nào không nên uống trà xanh?

Trà xanh (chè xanh) có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng uống trà xanh không đúng sẽ phản tác dụng, hãy xem khi nào không nên uống trà xanh để tránh gặp phải các vấn đề sức khỏe nhé.

1. Sốt

Chất caffeine trong lá chè xanh không chỉ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, mà còn làm giảm công hiệu của thuốc. "Hít le" nước chè ngay trong trường hợp này bạn nhé .

2. Bệnh gan

Những người mắc bệnh gan, nếu uống quá nhiều nước chè sẽ khiến sự trao đổi chất của gan bị quá tải. Đặc biệt là chất caffeine có trong lá chè xanh, nhân tố dễ gây tổn thương các mô gan.

 

3. Suy nhược thần kinh

Chất caffeine trong lá chè xanh có tác dụng làm hưng phấn khu thần kinh. Vậy nên những người bị suy nhược thần kinh mà uống nước chè, đặc biệt là buổi trưa và tối, sẽ dẫn đến mất ngủ, gia tăng tình trạng bệnh.

Nếu bạn thực sự thích uống trà, bạn chỉ nên uống trà hoa vào buổi sáng, một ít nước lá chè xanh vào buổi trưa, buổi tối không uống.

 

4. Mang thai

Hàm lượng caffeine, fenola có nhiều trong lá chè xanh - nhân tố bất lợi cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Để trí lực của thai nhi phát triển bình thường, bạn nên tránh sự kích thích quá mức của caffeine, tốt nhất không nên uống hoặc uống ít.

 

5. Vết loét

Trà là thức uống kích thích tiết dịch axit dạ dày. Do vậy, uống nước chè có thể khiến dịch axit dạ dày tăng cao, từ đó kích thích vết loét, thúc đẩy bệnh tình biến hóa theo chiều hướng xấu đi.

Với người mắc bệnh ở mức độ nhẹ, có thể uống nước chè sau 2 tiếng uống thuốc, cho thêm ít đường đỏ, để trợ giúp tiêu viêm và bảo vệ niêm mạc dạ dày.

 

6. Dinh dưỡng không đủ

Lá chè xanh có chức năng phân giải chất béo. Bởi vậy, những người cơ thể vốn đã "nhỏ gầy", dinh dưỡng không đủ, lại uống nước chè xanh, càng dễ khiến cơ thể rơi vào trạng thái "suy dinh dưỡng".

 

7. Dùng nước chè uống thuốc

Thuốc có nhiều chủng loại, tính chất khác nhau. Trong khi, chất tannin, theophylline trong lá chè lại có phản ứng hóa học (bất lợi) với một số loại thuốc nhất định, như thuốc an thần, thuốc bổ máu, thuốc có chứa hàm lượng protein…

Tuy nhiên khi uống thuốc vitamin, lá chè xanh lại không gây ảnh hưởng gì, bởi polyphenol trong lá chè xanh có thể thúc đẩy vitamin C tích lũy và hấp thụ trong cơ thể một cách tốt hơn.

 

8. Thiếu máu

Tannin trong lá chè có thể kết hợp với sắt tạo thành hợp chất không hòa tan, khiến cơ thể gần như không nhận đủ được nguồn sắt thiết yếu. Bởi vậy, người mắc bệnh thiếu máu không nên uống nước chè.

Theo VnExpress

bottom of page